Menu

Món quà muộn

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 4.75 (4 Votes)

Một buổi sáng chủ nhật cuối tháng 11.

Như thường lệ, tôi thường dành năm, mười phút trước giờ sinh hoạt để ôn lại nội dung “Câu chuyện dưới cờ” trong nghi thức chào cờ. Những “Câu chuyện dưới cờ” đơn giản chỉ là những mẫu chuyện ngắn, có thể là 1 câu chuyện vui, 1 câu chuyện ngụ ngôn, 1 giai thoại hoặc 1 câu chuyện về người thật việc thật. Kết thúc câu chuyện bao giờ cũng là những bài học giáo dục xoay quanh Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín nhằm nhắc nhở các em về lối sống đạo đức, về công ơn cha me, về đối nhân xử thế… Để câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, không nhàm chán, tôi thường tìm mua những bộ sách như “Hạt giống tâm hồn”, “Quà tặng cuộc sống”, lên mạng tìm kiếm; sau đó chọn lọc lại những câu chuyện phù hợp với đề tài muốn gửi gấm đến các em. Đôi khi, tôi phải biên tập lại, tự đặt ra câu hỏi để tăng phần hấp dẫn và cuối cùng là rút ra bài học của câu chuyện đó là gì.

Đang miên man với dòng suy nghĩ, bóng dáng một em Đồng sinh bước đến gần.
- Có chuyện gì không Minh Nhật? Tôi hỏi em Đồng sinh.
- Dạ, thưa Trưởng. Tuần trước em nghỉ sinh hoạt…
- À, anh biết phụ huynh của em có báo cho Trưởng Thư Ngôn.
- … dạ, mẹ em gửi món quà này cho Trưởng nhưng trễ ạ. Em xin lỗi.
Tôi khẽ nhíu mài. Bởi tôi thường nói với các em quà cáp là một hình thức xã giao mà ở các tuổi các em không nên có, nếu cần thì chỉ nên thể hiện ở thái độ, cử chỉ và sự chân thật là đủ.
- Đây là quà gì vậy em? Tôi hỏi.
- Dạ quà nhân ngày 20/11 ạ.

Tôi chợt im lặng...

Không biết bao nhiêu lần tôi và nhiều Trưởng khác đã nhắc nhở các em về tác phong, ngôn phong trong sinh hoạt, từ những lời xưng hô “mày tao” cho đến việc bỏ áo ngoài quần, điều mà ngoài xã hội không chú ý; cũbg như thường xuyênrèn luyện những kỹ năng nút dây, dấu đường, morse, mật thư luôn hấp dẫn các các em, từ đó phát huy sự năng động, tháo vát của mình.

Đa phần các em trong cuộc sống hiện tại được phụ huynh chăm chút từ cái ăn cho đến cái mặc. Các em chưa ý thức được cuộc sống có rất nhiều khó khăn, có tâm lý thích “nhận” hơn “cho”. Do đó, phong trào nuôi heo đất, những chuyến đi từ thiện là dịp nhắc nhở, giáo dục các em san sẻ khó khăn cho các trẻ em mồ côi, người già neo đơn, những hoàn cảnh cơ nhỡ, nhằm trưởng dưỡng tính nhân bản ở các em đối với cộng đồng.

 

Những trò chơi thi đua mang tính tập thể vào những dịp lễ hội là lúc để các em vui chơi thoải mái, không rành buộc bởi những kỹ năng nút dây, dấu đường, morse… và cũng chính là lúc các em thể hiện cá tính rõ nét nhất. Tính ganh đua, đố kỵ, nhút nhát, muốn thể hiện bản thân… của các em được các Trưởng quan sát và ghi nhận để từ đó, đề ra những giải pháp khắc phục sở đoản và phát huy sở trường cho từng em. Riêng các em Thanh sinh, lực lượng hỗ trợ nòng cốt cho Hội đồng Trưởng, qua những sự kiện, hoạt động trại… là cơ hội để các em được thử thách, rèn luyện kỹ năng bản thân về nhiều mặt: tổ chức, sinh hoạt, kỹ thuật, an sinh, y tế, hậu cần, thông tin… Mỗi một nội dung đều được các Trưởng xem xét cẩn thận, chi tiết; thậm chí được tập huấn để tránh sai sót.

 

Trò chơi lớn luôn là tâm điểm của các em trong những kỳ trại. Việc chuẩn bị cho một trò chơi lớn đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ công sức, nhân sự, thời gian cho đến tiền bạc. Mỗi chi tiết của trò chơi lớn được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng; đạo cụ, phục trang phải phù hợp, tình tiết phải hấp dẫn nhưng phải đảm bảo tính chân thực của lịch sử, tính logíc của trò chơi. Qua đó, các em được ôn lại những sự kiện lịch sử của dân tộc như thời Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… tưởng rằng dễ nhàm chán trên ghế nhà trường nhưng nó lại sinh động, hấp dẫn trong trò chơi. Những câu chuyện cổ tích quen thuộc khi đưa vào trò chơi trở thành những cuộc phiêu lưu kỳ thú, những thử thách đầy hấp dẫn và khi kết thúc, bao giờ cũng là những bài học mang giá trị đầy tính nhân văn.

 

Cuối cùng, tôi đã nhận món quà từ em Minh Nhật và không quên nhờ em gửi lời cám ơn đến phụ huynh. Món quà trên thể hiện sự nhìn nhận của phụ huynh “Đây là một môi trường tốt để các em rèn luyện đạo đức và các Trưởng như những nhà giáo dục không điểm số.” Sự trưởng thành nhân cách, đạo đức, biết quan tâm đến người khác… chính là thước đo cho quá trình rèn luyện lâu dài, bền bỉ; không thể tính bằng ngày, bằng tháng, bằng năm mà mãi về sau của chính các em qua sự hướng dẫn của các Trưởng cùng với sự quan tâm và cộng tác của phụ huynh.
Tục ngữ có câu “Học đi đôi với hành”. Học là điều kiện cần để có sự nhận biết, thông hiểu và Hành là sự kiểm nghiệm những hiểu biết đó bằng thực tế và hành động cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, phần đông phụ huynh còn nặng về đánh giá việc học của các em qua điểm số, thành tích, khen thưởng… mà xem nhẹ việc trang bị ý thức tự lập, tính tập thể, kỹ năng sống là vấn đề thiết thực để các em hoàn thiện bản thân ngay từ lúc còn trong gia đình và trên ghế nhà trường. Xã hội hiện nay đã minh chứng rằng hai yếu tố cần thiết để thành công đối với một cá nhân, đó là: kiến thức và kỹ năng sống phải cùng song hành.

Tôi nhận món quà để biết mình còn “nợ” các em.

TP.HCM, ngày 18/01/2016
Hùng Khả
(Bài viết cho Đặc San Xuân Minh Lý 2016 Bính Thân – Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu).