Menu

Suy nghĩ từ cuộc thi thuyết trình của Thanh Đoàn Nhân Hòa

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 5.00 (2 Votes)

Cuộc thi thuyết trình của Thanh đoàn Nhân Hòa thuộc Dự án 15- 01 Đ/D: Rèn luyện kỹ năng thuyết trình do các em thanh sinh xây dựng, thiết kế, tiến hành thực hiện diễn ra từ 5/7/2015 đến 1/9/2015. Cuộc thi có sự đóng góp, hỗ trợ của một số đạo hữu trong Giáo Lý Vụ, ban Thánh Hóa trong thành phần ban giám khảo. Kết quả cuộc thi và tổng kết dự án đã gợi nhiều suy nghĩ cho những người có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn và đào luyện những mầm xanh của Đạo trong việc phát triển năng lực tư duy, kỹ năng diễn đạt và trình bày trước tập thể.

Cuộc thi có hai vòng. Vòng một, thi thuyết trình theo nhóm và vòng hai, thi cá nhân với đề tài tự chọn. Đề tài được các em lựa chọn gồm những vấn đề gần gũi với việc học tập của mình như: Làm thế nào để có tư duy phản biện trong học tập và làm việc, Tầm quan trọng của việc điều khiển cảm xúc trong làm việc nhóm, Trí nhớ ngắn hạn, hoặc liên quan đến lĩnh vực giáo dục như Lợi ích của việc đọc sách văn học cho thiếu nhi, hoặc rèn luyện bản thân như: Điều khiển cảm xúc, Kiểm soát cơn tức giận, Tính ì tâm lý,…Nhìn chung, các đề tài rất thiết thực, liên quan đến cuộc sống sinh hoạt, học tập, đến việc trau dồi, rèn luyện những phẩm chất tốt của cá nhân. Việc tìm hiểu, trình bày những vấn đề ấy của các em thanh sinh trong cuộc thi vừa qua cũng đạt được kết quả đáng mừng. Đa số các em nắm bắt được vấn đề mình đề cập đến, có sự nghiên cứu, đầu tư về nội dung và hình thức trình bày. Từ vòng một còn bỡ ngỡ, lúng túng do các em chưa quen với việc thuyết trình trước đông người nên thiếu tự tin, nói năng chưa lưu loát, trả lời các câu hỏi chất vấn chưa thuyết phục; nhưng đến vòng hai, những khiếm khuyết ấy đã được khắc phục dần. Các em dạn dĩ, tự tin hơn trong việc nói trước tập thể, vấn đề nghị luận được trình bày mạch lạc, khúc chiết, lý lẽ và dẫn chứng được sắp xếp hợp lý, lập luận chặt chẽ, sáng rõ vấn đề hơn. Việc đối đáp, trả lời những câu hỏi thắc mắc của những người dự khán và các câu hỏi phản biện của ban giám khảo cũng có những bước tiến rõ rệt. Trong số các em tham gia, đáng biểu dương là em Lê Hoàng Phương Ngân với đề tài Kiểm soát cơn tức giận đã nổi trội với việc trình bày nội dung, từ việc dẫn nhập vào đề đến việc lập dàn ý, xây dựng hệ thống luận cứ và lập luận đầy thuyết phục; tác phong tự tin, chững chạc khi thuyết trình cũng là một ưu điểm của em. Em đã giúp các bạn thanh sinh khác học tập được nhiều cái hay trong kỹ năng thuyết trình. Trong bài báo cáo tổng kết dự án, phần đánh giá chung có đoạn: “Qua quá trình tham gia, BTC nhận thấy sự nghiêm túc của các bạn khi tham gia dự án này, tính cầu tiến, không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân; nhận thức rõ hơn về ưu khuyết điểm của bản thân để học tập, sửa đổi, trau dồi”. Điều này quả không sai, cuộc thi đã tạo điều kiện để các em thanh sinh, những người trẻ đang độ tuổi hoàn tất việc học tập ở trường phổ thông, đã bước chân vào đại học, rèn những kỹ năng cần thiết để trình bày trước đám đông, kỹ năng biện luận khi trình bày một đề tài, qua đó, hỗ trợ cho việc học tập ở trường và hơn hết, góp phần rèn luyện năng lực tư duy, giáo dục ý thức về việc trau dồi, học tập những phẩm chất tốt.

Nhìn lại cuộc thi thuyết trình nói riêng và cả Dự án 15- 01 Đ/D: Rèn luyện kỹ năng thuyết trình nói chung của Thanh đoàn Nhân Hòa, điều đáng ca ngợi và trân trọng là chính các em là người khởi xướng, thiết kế và triển khai thực hiện, tự thành lập ban tổ chức và tự đăng ký tham gia dự án, mời giảng viên về dạy lý thuyết và mời một số đạo hữu tham gia ban giám khảo. Tính tự lập, tự chủ và khả năng sắp xếp, tổ chức của các em được phát huy cao độ. Đồng thời, tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân, tương trợ nhau khi thực hiện dự án là một điểm sáng đáng để các em đoàn sinh ngành đồng và thiếu noi theo. Để mang lại sự tự tin, hỗ trợ cho các bạn các phương tiện cần thiết khi thuyết trình, BTC đã cung cấp cho các bạn một nền kiến thức cơ bản về kỹ năng thuyết trình bằng Powerpoint, thiết lập một môi trường giả định thực hành gần giống với thực tế khi các bạn trình bày luận văn hay trình bày trước trường, lớp. Không khí gần gũi, thoải mái phát biểu ý kiến, tranh luận, góp ý lẫn nhau trong các buổi hướng dẫn đã giúp các em biết học hỏi lẫn nhau, qua đó, càng thêm thấu hiểu và gắn kết nhau hơn.

Cuộc thi trên cũng đã gợi suy nghĩ cho những người có trách nhiệm trong việc giáo dục thế hệ tiếp nối của Minh Lý Đạo. Cần định hướng cho các em biết chọn đề tài tìm hiểu đi vào tâm linh, quay về với Đạo. Bởi thực tế xã hội thời hiện đại, xã hội càng văn minh, tiện nghi vật chất càng đầy đủ thì con người càng chạy theo vật chất hào nhoáng, nhất là những người trẻ thường có những suy nghĩ, tính toán thực dụng, vị kỷ;thế nên cần phải hướng cho các em quay về với nội tâm, với những giá trị đạo đức vĩnh hằng. Bởi vì, giáo dục thanh thiếu nhi không ngoài mục đích giúp các em chuẩn bị hành trang Nhân, Trí, Dũng cho cuộc sống đạo đức hôm nay và mai sau.

Tóm lại, Dự án 15- 01 Đ/D: Rèn luyện kỹ năng thuyết trình của Thanh đoàn Nhân Hòa đã hoàn thành sau gần 2 tháng triển khai. Tuy vẫn còn những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện, những hạn chế nhất định trong kỹ năng thực hành thuyết trình của các em, nhưng những gì đạt được đó là Tín hiệu XUÂN, báo hiệu các em như những con chim non đang vỗ cánh tập bay để đến lúc lông cánh đủ đầy sẽ bay cao và xa hơn, tích cực trong các hoạt động cộng đồng, hòa mình vào tập thể, tự tin tham dự vào các buổi hội thảo, trang bị cho mình những phẩm chất cần thiết, khả dĩ mai sau có thể góp phần hữu dụng trong thời kỳ hóa đạo của Minh Lý Đạo.

Những ngày cuối năm Ất Mùi
Đại Cơ Tam