Menu

Giáo dục đạo đức

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 5.00 (1 Vote)
Hơn hai năm trước khi Đại học RMIT Melbourne bắt đầu chiến dịch “Cấm hút thuốc”, tôi còn là học sinh. Không hút thuốc, nhưng dù đang đi lại trong sân, học trên thư viện hay học online, những hình ảnh tuyên truyền luôn đập vào mắt tôi: banner trong sân trường, thông báo trên hệ thống học trực tuyến, những tờ rơi phát trong giờ nghỉ trưa.

Một năm sau, RMIT chính thức ban hành luật cấm hút thuốc trên toàn trường và chiến dịch tuyên truyền vẫn tiếp tục mạnh mẽ.

Một năm nữa trôi qua, khi đã trở thành nhân viên của trường, tôi vẫn thường đi lang thang trong sân trường, không còn một hình ảnh hút thuốc nào mà ngay cả tàn thuốc cũng biến mất hẳn. Giờ đây, khi tất cả học sinh và nhân viên của trường đều đã quen với việc đó, việc giáo dục ý thức chỉ còn dành chủ yếu cho những buổi giới thiệu cho học sinh và nhân viên mới. 

 

Đã có bao giờ bạn tự hỏi lý do vì sao mình bắt đầu sử dụng một sản phẩm nào đó hng ngày như một thói quen. Quen đến nỗi một ngày nào đó, khi bạn đi tìm nhưng không thấy, bạn sẵn sàng "lục lọi" ở nhiều cửa hàng khác nữa. Cũng như vậy, có những cách ứng xử văn hoá, đạo đức, nếu được ăn sâu vào tâm hồn từng người như một thói quen, cũng sẽ khiến bạn ngỡ ngàng đôi phút khi không tìm ra nó. Ở nước ngoài, khi một người ra quầy tính tiền, điều đầu tiên anh ta tìm kiếm là xếp hàng ở đâu, và nếu không tìm thấy anh ta sẽ tiếp tục đảo mắt nhìn qua lại, và hỏi những người đứng gần đó.  

Thói quen sử dụng một mặt hàng, sản phẩm nào đó có thể chẳng phải làm do tính ưu việt của sản phẩm đó mà chỉ là do, sau một thời gian dài, tiếp nhận thông tin quảng cáo bằng nhiều phương tiện khác nhau, lặp đi lặp lại. Và nó dần trở thành phản xạ, nếp nghĩ tác động tới nhận thức, hành vi.  

Theo sự phát triển của thời đại, chất lượng giáo dục ngày càng được chú trọng, đặc biệt là giáo dục trực tuyến. Tôi mơ ước rằng những website học trực tuyến ở Việt Nam cũng sẽ có thêm những kênh hấp dẫn với bạn trẻ như Youtube để giúp họ xem được bài giảng, một đoạn phim ngắn hay, ý nghĩa. Dù có thể chỉ là 30 giây đến một phút thôi nhưng theo tôi, điều đó lại mang đến một niềm vui, sự hứng khởi cho người học. Và xa hơn nữa là gieo trong lòng người xem những hạt giống mầm của đạo đức, văn hoá người Việt Nam. Nội dung không cần quá cầu kỳ, đơn giản chỉ là những bài học nhẹ nhàng về tình gia đình, ơn thầy cô, nghĩa bạn bè, đơn giản chỉ là dạy trẻ làm tốt thì được tốt, cho đi sẽ được nhận lại.

Chương trình giáo dục kiểu này dù không đem lại lợi nhuận trực tiếp nào cho một công ty, doanh nghiệp, nhưng nó mang lại tương lai cho cả một quốc gia, dân tộc. Đạo đức, cũng giống như hành vi sử dụng một mặt hàng vậy, nếu bạn được nghe, thấy, qua những phương tiện truyền thông, chèn vào giữa những chương trình bạn yêu thích, hết ngày này qua ngày khác bạn sẽ có thêm động lực để thay đổi hành vi của mình.

Ước mơ thay đổi, tạo dựng văn hoá, đạo đức cả một xã hội thì còn xa và to lớn lắm, nhưng với tôi điều đó có thể bắt đầu từ những việc tưởng như rất nhỏ.

Thanh sinh Lê Chơn Nhựt Bình

(Bài viết được đăng tại Vnexpress.net: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/giao-duc-dao-duc-3250569.html)