Menu

Đối diện bản thân - Chia sẻ của bạn Lê Xuân Khôi

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 2.50 (1 Vote)

Bài chia sẻ của thanh sinh Lê Xuân Khôi trước buổi thảo luận của Thanh Đoàn Nhân Hòa mang chủ đề "Đối diện bản thân - Vượt qua khiếm khuyết"

Đối diện bản thân luôn là một vấn đề băn khoăn, trăn trở trong lòng mỗi người chúng ta, dĩ nhiên là kể cả tôi. Tôi cảm nhận rất rõ rằng tôi luôn phải đấu tránh với chính mình để đưa ra bất kì một quyết định nào đó; và khi đó là lúc tôi đang đối diện với chính mình. Còn bạn thì sao ?

Đối diện với bản thân thường mang hàm ý đối diện với những tính xấu của mình, đối diện với những điều mình còn băn khoăn vì một lí do nào đó từ môi trường bên ngoài....; vì đã là điểu tốt, điều mà bản thân hãnh diện; thì hầu như ai ai cũng cảm thấy dễ dàng chấp nhận nó ! Có ba trường hợp sau đây:

1. một là bản thân không biết mình phải đối diện cái gì
2. hai là bản thân không dám nhìn nhận chính mình
3. ba là bản thân lững lờ cả hai trường hợp một và hai.

Phân tích, suy ngẫm cặn kẽ từ ba trường hợp trên, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng: chung quy vấn đề nan giải nhất của việc đối diện với chính mình là gì? - Đó chính là bản thân có rộng mở để tiếp nhận những quan niệm ngoại cảnh, từ đó khắc phục được trường hợp một, và bản thân có đủ ý chí, quyết tâm vượt qua cái tôi của chính mình khi đã nhận ra, thấm thía ra những điều mình phải nghiêm túc đối diện mà khắc phục - từ đó giải quyết được trường hợp hai.

Trường hợp ba là trường hợp "ảo" nhất, khi nó lững lờ một và hai. Thường thì cá nhân mỗi người đang ở giai đoạn này đồng nghĩa là đang trong quá trình hoàn thiện mình, đồng nghĩa rằng đã thấy được lối đi của đời mình và đã dám bắt đầu dấn thân, nhưng cũng còn một chút e dè. Tùy vào lòng nhiệt huyết của mỗi người, tùy vào mức độ cảm nhận cuộc sống của mỗi người mà họ có thể đi xa được bao nhiêu...

Câu chuyện của tôi là hành trình tôi đi tìm bản ngã của chính mình. 

Hiện nay, tôi không ngại ngần gì mà nói, tôi đang ở trong trường hợp ba. Tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ giữa "thiện" và "ác" trong tôi, luôn cân đong, đo đếm giữa "lí trí" và "cảm tính"; và đó là bản chất của sự đấu tranh tâm tưởng - đối diện bản thân.

Mình từng là một con người nhút nhát. Mình nhút nhát không phải vì mình yếu kém, mà vì định kiến của bản thân về con người. Mình là một con người được gọi là "mập" và khoảng thời gian đó, và mình thì thật không thích thế tí nào. Mình luôn tìm mọi cách để ngụy biện cho điều này, nhưng sự thật rõ ràng rằng mình không biết chấp nhận chính hình hài của mình - điều cản trở mình làm một công việc - quản trò.

Mình là một con người cứng nhắc, ở một khía cạnh nào đó. Và mình cảm nhận rất rõ rằng mình không thể làm một quản trò, tới bây giờ vẫn vậy. Trong tư tưởng mình, luôn suy nghĩ rằng:"không làm được quản trò thì thôi, đâu phải là ta không dám đứng trước đám đông, chỉ là "hình thức" đứng trước đám đông này không phù hợp với tính cách ta..." Mình đã có những dấn thân, thử mình từ từ với công việc quản trò, dù chỉ là những bước nhỏ nhoi thôi, nhưng sự e dè khi làm một quản trò vẫn còn hiện diện trong mình tới giờ phút này.

Thời gian sống một mình là khoảng thời gian thật sự ý nghĩa của mình. Nó cho mình một cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm với những suy nghĩ, băn khoăn trong lòng; để thử những điều mà đôi khi, lúc còn đứng trong vòng tròn gia đình, còn ở quá gần với những con người thân thương của mình; con người ta lại có thể e dè mà thể hiện.

Trong suốt quá trình cấp ba, khi làm nhóm thuyết trình, mình luôn là người ở vị trí đóng góp ý tưởng, hình thức thuyết trình, lo phần kĩ thuật. Những ý tưởng của mình luôn được một nhóm bạn nữ thể hiện rất tốt. Mình làm việc rất ăn ý với nhóm bạn này....và mình nổi tiếng trong lớp rằng người không bao giờ thuyết trình. Khi thuyết trình xong, tới phần các bạn đặt câu hỏi cho nhóm, thì chả hiểu sao phần này mình lại không hề có một chút sợ sệt, e dè như phần thuyết trình.

Cho tới khi mình qua Úc, có một môn cũng làm nhóm thuyết trình, và yêu cầu mỗi thành viên trong nhóm phải nói it nhất là 3-5p, để lấy điểm cá nhân bên cạnh các điểm thành phần khác. Mình có thể không nói và chấp nhận mất đi phần điểm ấy, nhưng mình đã suy nghĩ rằng: nếu mình cứ né tránh thế này thì tới bao giờ mới dứt điểm những nỗi lo âu này đây... Và mình đã nói. Mình đã luyện tập, gần như học thuộc lòng và khi nói đã cố gắng áp dung những cử chỉ "ảo" nhằm giúp tăng phần tự tin cho bản thân. Những lời nhận xét của thầy sau đó đã hoàn toàn giúp mình giải tỏa được sự lo âu, và mình cảm nhận gần như đã giải quyết được một vấn đề lớn trong đề.

Mình cảm nhận rất rõ rằng, ngay từ khi còn ở với mọi người, mình đã lờ mờ biết được nguồn gốc sâu xa của những yếu điểm trong mình. Và mình cũng cảm nhận rất rõ, mình không dám thay đổi chính mình khi còn ở trong một vòng tròn như vậy. Khi tự lập, mình đã suy nghĩ rất khác, rằng mình phải tồn tại và lâu dài cũng tới lúc mình cần khẳng định vị trí của mình trong xã hội này, vì vậy, có thể nói, mình đã nhắm mắt làm bừa, chuẩn bị hết mình và lao vào thử thách.

Những thành quả có hướng tích cực sẽ là một động lực để bản thân ngày càng tiến bước, những thành quả có hướng tiêu cực it nhiều sẽ làm mình chùn lại, e dè; nhưng cũng đừng vì thế mà để nó cản trở mình.

Đó là bước đầu của sự đối diện bản thân của mình. Qua một thời gian chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc sống, suy nghĩ về bản thân với những câu hỏi: vì sao mình tồn tại, vì sao mình học, mình muốn tư cách của mình như thế nào trong xã hội này..., mình lại tìm ra một cách rốt ráo hơn cho việc đối diện bản thân...

Hi vọng mọi người có thể tìm ra cách phù hợp để đối diện với chính mình.