Menu

Ngồi kể chuyện trại 2 - Trại Sẵn Sàng IX

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 4.90 (10 Votes)

(14/6/2014 – resort Ngọc Xương)

Xây dựng trên chủ đề “Anh hùng đất Việt”, toàn bộ trò chơi, hoạt động, văn nghệ, lửa trại, trò chơi lớn đều được dàn dựng dựa trên những tấm gương anh hùng của nước nhà.

Điểm nhấn của trại là trò chơi lớn: “Khói lửa thành Thăng Long” được viết dựa trên sự kiện ba lần đánh bại quân Nguyên Mông của vua quan nhà Trần. Trong trò chơi, các em và các trưởng nhập vào vai những nhân vật lịch sử của thế kỉ XIII. Quân Đại Việt do thiếu sinh và đồng sinh cùng ba huynh trưởng khác đảm nhận. Quân Nguyên do thanh đoàn Nhân Hòa cùng tất cả các trưởng còn lại phụ trách.

Những nhân vật lịch sử của nhà Trần như: vua Trần Thái Tông, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, thái sư Trần Thủ Độ được các trưởng thủ vai. Các vị tướng tài như: Yết Kiêu, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư được các em đội trưởng đảm nhận.

Đối trọng lại với quân Đại Việt, quân Nguyên có các dũng tướng như: Ô Mã Nhi, Toa Đô, Thoát Hoan đều được giao các các anh thanh sinh, các trưởng với cơ bắp cuồn cuộn đóng vai chính.

 Để trò chơi chân thật và đúng nhất với lịch sử, tướng Trần Bình Trọng phải hy sinh tại bãi Thiên Mạc, trước khi hy sinh phải thể hiện được tinh thần bất khuất: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Nhưng vai tướng này lại do một em đội trưởng đảm nhận, nói trước cho em ấy nghe kịch bản trò chơi thì mất hay, còn không nói thì lại sai lịch sử. Để xử lý tình huống này, trong lửa trại đêm hôm ấy có thêm tiết mục đố vui lịch sử do tôi phụ trách, trong đó có đố về tướng Trần Bình Trọng và kể cho các em nghe về tấm gương hy sinh của ông cũng như những lời ông nói trước giặc thù phương Bắc, với hy vọng ngày mai em nào nhập vai Trần Bình Trọng sẽ hiểu được tinh thần mà thể hiện vào trò chơi cho tốt nhất, đúng với lịch sử của dân tộc.

Sáng hôm sau, trò chơi lớn diễn ra, sau khi triệu tập hội nghị Diên Hồng vua Trần và các bô lão thống nhất quyết chiến bảo vệ nước nhà. Trong vai tướng Trần Hưng Đạo tôi trao kiếm cho các tướng dưới quyền (là các đội trưởng) rồi ra lệnh chốt thủ ở những địa danh đã định. Sau khi trao kiếm cho các đội trưởng khác, đến lượt em Duy – em này sẽ thủ vai tướng Trần Bình Trọng. Tôi nhìn thẳng vào mắt em như để truyền hết lòng dũng cảm cho em ấy và dõng dạc nói:

- Tướng Trần Bình Trọng! Ta trao cho ngươi thanh kiếm này! Hãy dẫn quân đến trấn thủ thành Thiên Mạc.

- Hả! Cái gì? Vậy là em phải chết hả anh? Thôi em không chơi đâu! – Tay của Duy đã chạm vào chuôi kiếm chợt giật ngược trở ra như thể thanh kiếm vừa được rèn xong còn nóng đỏ.

- Quân lệnh như sơn! Ngươi trái lệnh ta chém đầu – tôi cố gắng nhịn cười mà ra lệnh.

- Trời ơi! Vậy là em phải chết thật sao! – anh chàng cầm cây kiếm đi mà mặt méo xẹo, mắt buồn rười rượi.

Đoạn tướng Trần Bình Trọng bị chém cũng là một khoảng khắc đáng nhớ. Khi quân tướng nhà Nguyên bao quanh tứ phía nạt nộ, năn nỉ, dụ, dỗ, chiêu hàng nhưng tướng Duy nhà ta lại nói không đúng kịch bản, cứ "chém ta đi, chém ta đi". Đến lúc nhớ đến câu bất hủ của tướng Trần Bình Trọng, tướng Duy ta vừa nói dứt câu "Ta thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc" thì một rừng gươm giáo chém tướng Duy ta lia lịa. Đâu đó có tiếng nói "Mệt! Chờ nãy giờ mới chịu nói!".

Hóa ra cả buổi tối kể chuyện, cái cần nhớ là tinh thần bất khuất và câu nói bất hủ của tướng Trần Bình Trọng các em lại không nhớ, chỉ nhớ là ông ấy phải hy sinh…. Ôi! Thiếu sinh…

 

Lời kết…

Ngồi ôn lại những kỉ niệm đẹp này, chợt nhớ nụ cười của các em trong những kỳ trại, nụ cười ấy hồn nhiên, vui tươi và trong sáng làm sao. Những mẫu chuyện trại này như những liều thuốc tinh thần mà khi dùng đến lại quên đi phần nào mệt nhọc lại muốn góp tâm sức của mình cho trại, cho các em. Điều hạnh phúc nhất của những người huynh trưởng sau mỗi kì trại không chỉ là niềm vui, nụ cười của các em mà còn là sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trong nhân cách được gửi đến các em qua những bài học quý giá giữa thiên nhiên.

 Trưởng Dũng Trí