Menu

Chiếc Mặt Nạ

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 5.00 (9 Votes)

Ngày 1,2 và 3 tháng 8 vừa qua đã diễn ra kỳ trại Rèn Luyện V tại khu du lịch Ngọc Xương, Bà Rịa – Vũng Tàu do Thanh Thiếu Nhi Minh Lý đứng ra tổ chức với sự tham gia của thêm hai đoàn bạn là Ngọc Minh Đài và Thiên Trước. Với mục đích xây dựng một sân chơi đề cao tính “rèn luyện bản thân”, kỳ trại là một tập họp những chuỗi các hoạt động, bài khóa mang tính thử thách cao để mỗi người tham gia đều có cơ hội tự vượt qua chính mình. Kỳ trại diễn ra với nhiều các bài khóa và hoạt động mới lạ, hấp dẫn. Trong đó, để lại ấn tượng nhiều nhất về sự mới mẻ và độc đáo và chương trình “Dạ hội hóa trang” khi mà tất cả các trại sinh đều được hướng dẫn tự làm cho mình chiếc mặt nạ và đeo nó vào để tham gia “Dạ tiệc cocktail”. Những chiếc mặt nạ đủ màu sắc được khoác lên khiến không khí trở nên sinh động, và đằng sau đó luôn là các bài học về cuộc sống mà càng khiến buổi tiệc trở nên có ý nghĩa. 

Chiếc mặt nạ đẹp thật đấy và làm mặt nạ cũng tốn công không ít. Nhưng đeo mặt nạ thì thật chẳng dễ chịu chút nào. Vui chơi, hoạt động lúc nào cũng gặp vướng víu. “Em thích mặt nạ của mình, nhưng em không thích đeo nó” – Một em trại sinh đã nói như thế, và bài học cũng nằm ở đây. Con người đôi lúc phải khoác lên mình một bộ mặt khác, thể hiện một con người khác để đương đầu với hoàn cảnh. Đó cũng giống như ta tự họa nên một chiếc mặt nạ và đeo lên vậy. Nhưng đeo mãi rồi cũng mệt, cũng vướng víu, cũng đau và người ta lại loay hoay đi tìm những cách giúp mình dễ chịu hơn, mà lại không nghĩ ra rằng cách hay nhất là cứ bỏ mặt nạ xuống. Có người chẳng bao giờ thừa nhận mình đang đeo mặt nạ, có người ngộ nhận chiếc mặt nạ là gương mặt thật của mình, cũng có người biết mình đang mang mặt nạ và đâm ra buồn bản thân vì đã sống giả dối. Thật ra, thể hiện một tính cách khác, bộ mặt khác là một điều bình thường khi bản năng tự vệ mách bảo ta làm thế để đối mặt với những khó khăn. Điều quan trọng là ta biết khi nào nên ngừng lại, khi nào nên tháo nó xuống và nhìn lại con người mình. Chiếc mặt nạ vốn không xấu, sống theo một tính cách khác chẳng có gì sai, nên ta có thể thích chiếc mặt nạ, nhưng chỉ cần đừng thích việc đeo nó. Bởi nếu cứ sống mãi với những điều không thật thì sự ngộ nhận, thiếu sáng suốt là không thể tránh khỏi; và những đau khổ, rắc rối sẽ mãi bám theo.

Một trò chơi khác cũng liên quan đến chiếc mặt nạ là khi 4 đội trưởng bị bắt cóc, và họ phải tự vẽ lên chiếc mặt nạ và đeo vào. Các đội sinh phải làm sao đoán được người đằng sau chiếc mặt nạ có phải đội trưởng của mình hay không. Một đội khi được hỏi vì sao lại chọn đó chính là đội trưởng của mình đã trả lời: “Vì em thấy cái đầu của bạn ấy lắc lắc”. Một câu nói đơn giản thôi nhưng cũng là điều để ngẫm. Con người sống ở hoàn cảnh nào sẽ thể hiện con người khác thích hợp với hoàn cảnh đó, cũng giống như mặt nạ rất dễ để thay. Vậy có cách nào để nhận ra bạn mình không? Có cách nào để giúp bạn quay trở về với con người thật và tháo chiếc mặt nạ xuống? Ta chẳng thể nào biết được bạn mình là ai nếu chỉ nhìn vào mỗi chiếc mặt nạ, vào mỗi những thể hiện bề mặt bên ngoài. Đó phải là sự quan tâm và để ý nhau nhiều hơn, đồng hành với nhau nhiều hơn để hiểu những cá tính của nhau. Các em đã nhận ra bạn mình không bằng chiếc mặt nạ hoa hòe, mà bằng một cử chỉ nhỏ bạn vẫn thường hay làm. Điều này có được khi các em đã đồng hành với nhau đủ để hiểu nhau và tìm ra nhau.  

Nói chung, kỳ trại Rèn Luyện ra đời với mục tiêu giúp các trại sinh hoàn thiện bản thân mình hơn, và để làm được điều đó thì trước hết phải biết sống thật với con người mình, biết lúc nào nên bỏ mặt nạ xuống và đối diện với bản thân. Điều này chính là lời tâm tình mà anh Trại Trưởng đã gửi gắm sau cuộc vui: “Anh mong các em sống thật với chính mình”. 

TS. Đào Ngọc Minh Thi & Nguyễn Trung Bạo