Menu

Tình xa

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 4.25 (4 Votes)

Có những mối tình cách xa nghìn trùng, dù trải qua bao năm tháng, vẫn để lại trong tim mình nhũng nổi thương nhớ khôn nguôi. Tưởng rằng đã quên nhưng mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh của "người ấy", con tim như sống lại, để rồi  có những lúc ta lại âm thầm làm những gì người ấy đã làm, sống như cách "người ấy" đã sống…; chỉ mong tìm lại một dòng cảm xúc như thuở nao!.

 

Mối tình ấy đã ăn sâu trong tôi từ lúc nào không hay biết; mối tình với mái nhà Thanh Thiếu Nhi Minh Lý, những kỷ niệm với từng anh em trong thanh đoàn Nhân Hòa. Nó khiến tôi khao khát một không khí, không khí của một chuyến cắm trại, với người anh em Lê Xuân Khôi vào cuối tuần tại đảo Cockatoo.
Hai con người nhỏ giữa một Sydney rộng lớn, nhưng đượm tình thân thương biết bao!  

Đảo Cockatoo vào những năm 1900 từng là một nơi giam giữ tù nhân và công việc chính ở đây là đóng tàu, cho đến ngày nay, những nhà máy, thiết bị sản xuất vẫn còn được gìn giữ cẩn thận. Năm 2010, Cockatoo được UNESCO công nhận là di tích văn hoá thế giới. Muốn tới đảo, bạn phải đi tàu mất 20-30 phút từ trong thành phố Sydney và trên đường đi, du khách sẽ thấy được toàn cảnh cầu cảng Sydney và Sydney Opera House (nhà hát con sò) nổi tiếng của Úc.

Thật ra, nói là trại cho vui chứ vì tiền mua nguyên cái lều không đủ nên đành chọn giải pháp đi mướn. Trên đảo có rất nhiều lều được dựng sẵn; vì không trong đợt nghỉ nên rất ít người đi căm trại….nhìn quanh quất cũng chỉ thấy có lều của mình và một lều nữa là có người.

Với sự chỉ huy tài tình, trại trưởng Lê Xuân Khôi (kiêm trưởng ban ẩm thực) đã sắp xếp cho Bình - trại sinh duy nhất này ra ngoài mua đồ ăn là chủ yếu và chỉ có 2 buổi là phải ăn mì gói. Và Bình, với khả năng lãnh đạo sáng suốt của một trưởng ban sinh hoạt đã xây dựng một chương trình vô cùng phong phú: ban ngày đi dạo, chụp hình, ban đêm thì ngồi ngắm sao trời.

Vì đang trong mùa đông, với nhiệt độ ban đêm là dưới 10 và ban ngày 15 độ C nên, chương trình trại cũng có nhiều gián đoạn do trại sinh thích nằm đắp mền là chủ yếu, còn không thì ngồi trên ghế nhưng. … cũng đắp thêm cái mền. Nhưng rồi, nhưng gian khổ ấy được đổi lại là biết bao kỷ niệm vui của đêm trăng ngồi ăn mì nóng mà nghe sóng biển rì rào, là những tiếng cười vang trên hòn đảo đôi khi nhìn không thấy một bóng người và chia sẻ cho nhau những buồn vui của cuộc sống xa quê.

Vì trên đảo thiếu thốn, nên chúng tôi cũng phải thường xuyên đi tàu quay lại đất liền để ...lấy thêm lương thực tiếp tế hoặc ăn no rồi mới quay lại đảo, mà các trại sinh thì cũng trẻ trâu nên thường xuyên ra bên ngoài đầu tàu mà đứng để coi sức khỏe và sức gió, sức nào mạnh hơn và hậu quả là đêm về phải uống vài viên C sủi. ~.~ Dù vậy cũng không đáng sợ bằng những lần chụp hình đêm của anh Lê Xuân, bấm máy một phát là đứng đợi 5-10 phút trong gió lạnh để đợi hình bắt đủ ánh sáng.

Trong suốt kỳ trại luôn là những câu chuyện của những ngày tháng xưa, câu chuyện của những chú Sói Bạc oai hùng thưở nào và câu chuyện kể về tình đồng đội ấm áp nơi Thanh Đoàn Nhân Hòa, xen lẫn trong đó là nỗi niềm băn khoăn của dự án dưa năm 2015 từ anh Lê Xuân. Kỳ trại diễn qua nhẹ nhàng và kết thúc bằng một chuyến đi thăm cảnh chùa ở một nơi không xa Thành Phố Sydney, hẹn gặp lại một kỳ trại vào mùa đông năm sau.

Melbourne ngày 14/07/2014
TS. Lê Chơn Nhựt Bình

Cảm nhận chuyến đi từ thiện mái ấm Phan Sinh

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 4.75 (2 Votes)

Khoảng 1 giờ chiều ngày thứ 7, mọi người tập trung ở Chùa Tam Tông Miếu chuẩn bị cho chuyến đi đến thăm Mái ấm Phan Sinh. Nhưng do trời mưa mà lại gặp thêm một số trục trặc về xe nên anh Trọng quyết định sẽ chuyển đồ bằng cách gửi xe buýt chứ không đi xe máy như dự tính, cảm giác có chút gì đó lo lắng vì mãi đến 2 giờ đoàn còn chưa khởi hành. Cuối cùng sau một hồi vất vả với những kiện hàng, đoàn cũng đến được mái ấm. Tiếc là do trời đã tối nên không thể phụ giúp các cô cho các em ăn chiều và dọn dẹp khuôn viên như đã hứa, nhưng ai cũng hiểu rằng mình nợ Mái ấm một lần giúp ích sau…

Tuy không thực hiện trọn vẹn lời hứa nhưng chúng tôi lại có cơ hội được nói chuyện với Thầy, được nghe kể về cuộc đời của những con người nơi đây. Lần đầu tiên tôi được biết là con người cũng phải có quyền mới có thể chết. Nghe Thầy kể: “Do mái ấm chưa được cấp giấy phép hợp pháp nên mọi người ở đây chỉ được sống chứ không được phép chết, muốn chết thì phải chết chui… May mắn là những người ở đây rất biết điều, chết cũng trong yên lặng và không gây ra sự cố gì.” Vừa kể Thầy vừa cười, nụ cười nhìn từ trong khóe mắt chất chứa nỗi buồn và cả một sự mỉa mai cho một đời người – thoảng hoặc nó chỉ có trong suy nghĩ của tôi.

Từ “may mắn” ấy ám ảnh tôi mãi, về quyền sống và được sống của một con người. Phải chăng khi người ta sinh ra và lớn lên trong một điều kiện bình thường thì cái quyền đó là hiển nhiên nên tôi chẳng hề hay biết. Còn đối với những người có hoàn cảnh éo le và khó khăn thì ngay cả những điều tưởng chừng như nhỏ bé và giản đơn ấy lại là một ước mơ không tưởng.

Mong rằng khi có dịp trở lại nơi này, thì mái ấm đã có thể tồn tại hợp pháp và mọi người ở đây vẫn còn hiện diện, bởi cuộc sống của họ có thể chỉ tính bằng ngày bằng tháng, nay gặp mai không. Chẳng phải là lần đầu tiên đi từ thiện chung với Đoàn, nhưng chưa lần nào tôi lại ấn tượng về  ngôi nhà – nơi ở của những người khuyết tật không phải chỉ về thể xác mà cả về mặt tinh thần này đến vậy. Về thầy Châu người mà vẫn tự gọi mình là thằng vào ban ngày, và thầy vào ban đêm. Do ban ngày, Thầy phải tất bật đến những công ty, xí nghiệp gần đó xin cơm về nuôi heo nuôi cá, hoặc đổi cơm thừa lấy tiền phụ chi tiêu cho mái ấm nên người tay vẫn gọi thầy là “thằng”, còn ban đêm Thầy lại trở về với công việc thường nhật là một người thầy giáo dạy tiếng Anh. Về một người cô hy sinh cả đời mình để ở lại chăm sóc cho những bạn nhỏ khuyết tật, về chị sinh viên mới ra trường tình nguyện đến phụ giúp những công việc lặt vặt cho mái ấm dù là ở rất xa. Về tình người ấm áp bởi trong những hoàn cảnh khó khăn thì ta mới cảm nhận được tình yêu thương chân thành. Nhớ nụ cười thật tươi của cậu bé mà tôi đến giờ vẫn không nhớ tên, chỉ biết em thích được ôm và được bế lên cao, thật vui vì có cơ hội được quen biết em.

Thế mới thấm thía được bài học quý giá mà Thầy Châu và mọi người nơi đây đã chỉ cho tôi. Rằng đôi khi không phải chúng ta giúp họ mà chính họ đã giúp ta - dạy chúng ta bài học về sự yêu thương, về tình yêu không vụ lợi tính toán, về nụ cười vô tư lự và sẵn sàng mở rộng vòng tay đón lấy những người cần đến mình. Mong rằng sẽ sớm có cơ hội đến thăm lại mái ấm một lần nữa.

Phạm Thị Ái Vân

KẺ THÙ LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH – Trại Sẵn Sàng 7 | Paradise 2012

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 0.00 (0 Votes)

Trong đêm khuya thanh vắng của ngày trại sẵn sàng, khi giấc ngủ đang chiềm sâu thì bổng nhiên có tiếng gọi tôi dậy. “Nè! Dậy đi nhỏ, tới giờ rồi.” Tôi lòm còm bò dậy, mắt thì quáng gà rồi cũng nhập băng được với cả đội. Đố các bạn là cả đội thanh chúng tôi sắp làm gì đó?

Không! Không! Các bạn đừng nghĩ là chúng tôi làm điều gì phi pháp nha. Vì bóng đêm thì đồng lõa với tội ác mà. Tuy hơi bí hiểm nhưng mời các bạn theo tôi, chầm chậm … chầm chậm bước vào màn đêm.

Khi màn đêm buông xuống là lúc ta sắp bước vào một thế giới mới với những điều bí ẩn, kỳ bí đang thử thách ở phía trước. Đi phía trước tôi là anh Lợi và Khôi đang hì hụp đặt trạm trên một con đường heo hút. Tôi có nhiệm vụ theo sau ghim một bó nhang men theo con đường. Hi! Tới đây là các bạn đoán biết là chúng tôi đang làm gì rồi.

Tất cả các bạn Thanh sinh đang ráo riết chuẩn bị cho trò chơi đêm. Đối tượng chính là các em thiếu sinh. Trò chơi đánh mạnh vào tâm lý của mỗi người.Và trong đêm tối thì mỗi sự vật hiện tượng đều ghê rợn, kỳ dị, và kinh hãi. Chưa đâu nha!

Các bạn có tưởng tượng được là khi đang đi thì bỗng nhiên một-cái-gì-đó-mà-tôi-không-dám-kể đong đưa giữa một màn đêm tối mịt. Mà các em thiếu gia tài ánh sáng của mỗi đội là một cây nhang thôi!

Nghe tới đây chắc các bạn đã thấy rợn người rồi nhưng khúc hấp dẫn vẫn còn ở phía trước. Đi thêm một đoạn thì bất thình lình các em vấp phải một vật thể mềm-mềm-ấm-ấm với giọng cười quái đản. hic! Tự nghĩ tôi là người tham gia dàn dựng trò chơi chứ tôi cũng chơi thì đứa lớn đầu to xác như tôi đủ để sợ chết khiếp rồi cũng la í ới. Chắc các bạn thắc mắc là tôi đang ở trạm nào. An tâm đi, trạm kế tiếp là tôi và Thảo Nguyên đang ngồi lui thui trong bụi cỏ. Mặc cho chúng tôi chiến đấu với bọn muỗi hung hăng, côn trùng ác độc, cỏ cắt, dưới đất là cả một hầm chông trái thông. Những thử thách nhỏ có nhầm nhò gì khi nhiệm vụ và sự đam mê hứng thú của chúng tôi đang ngất ngưỡng. Trạm của tôi là trạm mật-thư-sống. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao cho mật thư đó quay về .... eo ôi, ai tinh ý lắm phát hiện thì tôi dám chắc là nước mắt mấy nhóc Thiếu sẽ chảy thành dòng. Tới trạm Cao Nguyên và Đoàn Thanh , trên con đường không một bóng sáng, nghe đâu có một thứ âm-thanh-nào-đó-mà-tôi-không-dám-nghĩ làm cho các em cũng khá chật vật, các em nương nhau mà đi. Trạm thử thách cuối cùng là tại căn nhà hoang. Bầu không khí âm u, khí trời lạnh lẽo, âm thanh ma quái khiến lòng người trở nên lạnh tanh và sợ hãi. Bên trong, nhiều chi tiết liên quan đến một vụ án mạng thảm sát hàng loạt. Trong nhà hoang có những thứ mà-tôi-can-đảm-lắm-mới-viết-ra là: Một tấm hình gia đình ... hic, một con búp bê ..., một cái điện thoại gọi cấp cứu vẫn còn dang dỡ..., một dung dịch màu đỏ như máu... văng lên tường, những bước chân loạn xạ, cuối cùng là một hiện trường đầy hột và vỏ dưa hấu rơi vãi.

..Đội Thanh Long đoán đây là vụ thảm sát 4 mạng người trong một gia đình, sau khi giết người xong thì hung thủ lại ngồi ăn dưa hấu xem phim. Nghe tới đây thì tui cũng cảm thấy thoải mái hơn :)). Chưa đâu! Chưa đâu, điểm nhấn là sự xuất hiện của một người ...à không, một cái gì đó mà các bạn thường-thấy-trong-phim....nhìn giống như hình nộm Trung Hoa biết đi. Làm các em thiếu sinh mặt xanh, đỏ, tím, vàng cùng cất lên tiếng la thất thanh.

Kết thúc trò chơi đêm hơn 3h sáng. Anh em Thanh sinh trở về với tinh thần và thể chất rã rời sau một đêm thử thách lòng dũng cảm, trí thông minh, và sự tưởng tượng của các em thiếu sinh. Thế mà dù mệt đến đâu thì khi gặp trưởng Hùng Khả với nụ cười sáng rỡ trên gương mặt mệt nhừ của anh. Anh vừa cười vừa nói “Chúng ta thành công rồi các em ơi!”. Lúc đó bao nhiêu mệt mỏi trong tôi và các bạn dường như tan biến hết. Thế là một đêm nhát người nhát mình đã kết thúc lũ chúng tôi tự thưởng cho mình một ly chè đậu xanh mát ngọt. Chúng tôi ngồi quay quần bên nhau cùng nói về sự sợ hãi của các em mà lòng vui phơi phới.

Nhưng dù sao đi nữa thì qua trò chơi này thì các em sẽ trưởng thành hơn. Đôi khi có những việc mình vô tình nhìn thấy trước mắt nhưng nó không nói lên điều gì cả mà chính bản thân chúng ta tự nghĩ ra và nghĩ là sẽ không vượt qua được. Vì KẺ THÙ LỚN NHẤT ĐỜI MÌNH CHÍNH LÀ MÌNH. Tôi mong các em sẽ vượt qua nỗi sợ của chính mình để có thể sáng suốt đâu là thật đâu là giả. Luôn luôn bình tĩnh, tự trấn an sẽ giúp các em tự giúp mình và giúp đỡ mọi người xung quanh mình.

Hẹn các em kỳ trại lần sau sẽ càng hấp dẫn, càng hứng thú và mang đến cho các em nhiều điều bất ngờ.

Kỉ niệm Sẵn Sàng 7 – Paradise 2012

Bibô

Góc nhìn về Bát Bửu Phật Đài

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 0.00 (0 Votes)

 

Bát Bu Pht Đài (Pht Cô Đơn)
 
Bát Bửu Phật đài (còn được gọi là chùa Phật Cô đơn) ở cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về phía Tây Nam.Chùa thuộc xã Lê Minh Xuân, một huyện ven thành phố. Do đó, khuôn viên xung quanh chùa vẫn còn giữ nguyên những nét nguyên sơ, mộc mạc. Rừng bạch đàn phủ mát một màu xanh, thoang thoảng mùi hương nhang trầm, tô điểm thêm những tiếng chuông gió kêu linh lang trong một không gian tĩnh lặng. Chính điều này đã khiến những ai bước chân vào Bát Bửu Phật Đài đều có cảm giác được gột sạch những cát bụi trần thế và tạm lánh xa những bon chen bất tận chốn nhân gian.
 
Đã có nhiều những lời đồn đại về sự ra đời của ngôi chùa, nhưng theo lời kể của vị sư ở đây thì trong những năm tháng chiến tranh, khi bom đạn tàn phá xóm làng, thiêu rụi cả chùa Thanh Tâm. Thế nhưng, ngôi Phật đài với Kim Thân đức Phật vẫn sừng sững, trang nghiêm giữa nơi hoang vắng, giữa vùng đạn bom cày xới, tựa như đang được một bàn tay màu nhiệm nào che chở .Vì thế, dân địa phương gọi di tích tôn nghiêm này là Phật Cô đơn.
 
nguồn : www.vncgarden.com/
Ngày nay, Bát Bửu Phật đài đã được xây dựng và sửa chữa khang trang hơn. Cổng Tam quan trang nghiêm, hài hòa với cả khuôn viên, các tượng Phật, Bồ Tát, Thiên Long, Hộ Pháp... Cũng được an vị ở chánh điện như ở những ngôi chùa khác. Bên cạnh đó, kiến trúc độc đáo cùng lối trang trí hài hòa, khung cảnh thanh nhàn đã hấp dẫn nhiều du khách thập phương hay các tín đồ đến đây như tìm về nơi thanh tịnh cho tâm hồn. Nhưng trên hết, chính những lời đồn về tượng đức Thích Ca vẫn tồn tại nguyên vẹn trong khi cả một vùng bom đạn bị cày xới càng làm tăng thêm niềm tin của nhiều người. Nó khiến người ta tin rằng khi đến đây rồi thì những tai ương, kiếp nạn sẽ bị hóa giải bởi phép nhiệm màu của Đức Phật như khi xưa. Hiện nay, Bát Bửu Phật đài đã trở thành một trong những khu tham quan, chiêm bái của du khách và Phật tử trong lẫn ngoài nước.
 
nguồn : thuyngakhanhhoa.files.wordpress.com/2009/10
 
Hầu như ai viếng chùa cũng đều mang theo bao trăn trở. Họ gửi chúng theo những lời cầu nguyện, những ngọn nến cầu an và những làn khói trắng. Rồi tiếng chuông gió linh lang mang nỗi niềm ấy lên trời, xua đi bao âu lo còn vương vấn. Đến chùa Phật cô đơn, tâm hồn người ta chất chứa những phiền muộn chốn nhân gian. Và khi ra đi, họ mang theo hi vọng cùng sự thanh bình nơi đất Phật. Nơi đây tựa chốn nghỉ chân thanh tịnh cho những ai đã mệt mỏi giữa dòng đời đầy những bon chen bất tận.

Thanh Sinh

Những thông tin bổ ích khác về Phật Cô Đơn --- nhấp vào đây